Bối cảnh của tỉnh Nghệ An ảnh hưởng đến vai trò của chính quyền cấp tỉnh đối với giảm nghèo bền vững
Tình hình KT – XH tỉnh Nghệ An thời gian tới dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. Tỉnh tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án đã đưa vào sản xuất và đang tiếp tục mở rộng quy mô. Các dự án đang triển khai tiếp tục hoàn thiện. Do đó dự báo đời sống của người dân trong tỉnh tiếp tục được nâng lên.
Tuy nhiên bức tranh kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An không phải là hoàn toàn sáng. Có thể khẳng định rằng, đến năm 2025 Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo của cả nước, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là người dân nghèo ở các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa. Tình hình đó đã có tác động đến vai trò của chính quyền cấp tỉnh về GNBV vùng miền núi ở tỉnh Nghệ An. Đó là:
Thứ nhất, do tỉnh nghèo và với nguồn ngân sách eo hẹp, nguồn thu hạn chế, hoạt động thu hút vốn đầu tư khó khăn, tăng trưởng kinh tế của tỉnh và khu vực tuy có cao, nhưng do xuất phát điểm kinh tế thấp, nên quy mô kinh tế nhìn chung là nhỏ, thiếu đồng bộ, lạc hậu. Các nguồn lực dành cho GNBV còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tác động lan tỏa mong muốn.
Thứ hai, thiếu nguồn lực cho GNBV vùng miền núi tỉnh Nghệ An. Cơ cấu kinh tế vùng miền núi tỉnh Nghệ An chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp ở giai đoạn thô sơ, lạc hậu, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên nhiên, thời tiết, trong khi vị trí địa lý không thuận lợi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng yếu kém, cần lượng lớn vốn đầu tư phát triển… Điều này dẫn tới nhiều khó khăn cho chính quyền cấp tỉnh trong việc cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho toàn tỉnh và nguồn vốn GN cho vùng miền núi tỉnh Nghệ An. Nguồn lực đầu tư GN từ ngân sách tỉnh, huyện còn hạn chế, chủ yếu là ngân sách Trung ương, các chính sách GN trên thực tế còn nặng về hình thức hỗ trợ trực tiếp (như hỗ trợ tiền, gạo,…) không khuyến khích được sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, tạo ra tư tưởng ỷ lại, thụ động và trông chờ từ nhiều phía.
Thứ ba, cơ cấu dân tộc đa dạng, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đối tượng bảo trợ (người tàn tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn…) lớn khiến cho nhận thức của đại bộ phận người nghèo về tình trạng nghèo đói, ý chí thoát nghèo còn hạn chế. Đây là nguyên nhân chính khiến cho đại bộ phận người dân nghèo không chủ động tìm kiếm sinh kế để thoát nghèo, thay vào đó trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, gây them gánh nặng kinh tế cho chính quyền địa phương.
Thứ tư, nhìn nhận bi quan về điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn ở vùng miền núi tỉnh Nghệ An tạo nên lực cản, làm giảm động lực dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng, tạo bước đột phá trong GNBV vùng miền núi tỉnh nghệ An. Trong Hội thảo “Phát triển miền núi phía Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được tổ chức vào 6/2018, hầu hết các học giả và chính quyền địa phương đều có sự thay đổi nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi tỉnh Nghệ An nói chung, GNBV vùng miền núi tỉnh Nghệ An nói riêng, thay vì nhìn nhận những điểm khó khăn thì cần nhìn nhận các điểm lợi thế trong phát triển vùng miền núi Nghệ An để lấy đó làm động lực phát triển kinh tế, bắt kịp trình độ phát triển so với các vùng, địa phương khác và cả nước.