Quan niệm giảm nghèo bền vững vùng miền núi
GN là một phạm trù mang tính lịch sử, chỉ quá trình tác động vào nhóm dân cư nghèo, nhằm nâng cao mức sống cũng như từng bước đưa họ thoát khỏi tình trạng nghèo.
GN là nâng cao thu nhập, là quá trình chuyển đổi một bộ phận dân cư đang trong tình trạng nghèo, có mức sống thấp lên mức sống cao hơn (trên chuẩn nghèo), giúp họ đảm bảo được những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Đây còn gọi là GN đơn chiều
Thời gian qua, việc chỉ sử dụng thước đo nghèo dựa trên thu nhập là chưa đủ, còn bỏ sót các đối tượng nghèo, dẫn tới hiện tượng tái nghèo, vì vậy, GN không bền vững.
Bởi vậy, để GNBV, gần đây các nước thực hiện GN đa chiều. GN đa chiều là nâng cao mức sống, là tăng sự hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở, thông tin và tạo điều kiện cần thiết để tăng vị thế người nghèo trong cộng đồng dân cư
Có thể nói, GN đơn chiều là một nội dung của GN đa chiều. GN đa chiều là điều kiện để không tái nghèo, tức để GNBV.
Hiện nay chưa có quan niệm thống nhất về GNBV.
Theo Thái Phúc Thành: “GNBV có thể hiểu là tình trạng dân cư đạt được mức độ thõa mãn những nhu cầu cơ bản hay mức thu nhập cao hơn chuẩn nghèo và duy tri mức độ thõa mãn những nhu cầu cơ bản hay mức thu nhập trên mức chuẩn nghèo đó ngay cả khi gặp phải các cú sốc hay rủi ro” (Thái Phúc Thành, 2014, tr.27).
Theo Vương Đình Huệ: “GNBV không đơn thuần chỉ là người nghèo đủ cơm ăn áo mặc mà còn phải đảm bảo cho họ tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở và thông tin” (Trích dẫn trong Mạnh Mường, 2017).
Từ những quan niệm trên, luận án cho rằng, GNBV có thể hiểu là nâng thu nhập cao hơn chuẩn nghèo được quy định ở từng địa bàn và đảm bảo cho người nghèo địa bàn đó tiếp cận được những nhu cầu cơ bản các dịch vụ xã hội. Nói vắn gọn là, GNBV là giảm nghèo vững chắc, tức không tái nghèo.
Như vậy, giảm nghèo bền vững vùng miền núi là nâng thu nhập cao hơn chuẩn nghèo được quy định ở vùng miền núi và đảm bảo cho người nghèo vùng miền núi tiếp cận được những nhu cầu cơ bản các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục và văn hóa… nhằm chống tái nghèo.